Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ trong một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư dạ dày.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí “Critical Reviews in Oncology/Hematology” đã phân tích dữ liệu của 19 nghiên cứu trước đó với tổng số 720.000 người (16.159 người bị ung thư).
Trong số 19 nghiên cứu, 14 nghiên cứu sử dụng chỉ số FRAP để phân tích sức mạnh chống oxy hóa của thực phẩm và nhận thấy rằng, sức mạnh chống oxy hóa của thực phẩm và nguy cơ ung thư có mối tương quan lớn.
Nhóm nghiên cứu cũng phân tích mức độ ảnh hưởng của khả năng chống oxy hóa trong thực phẩm theo loại ung thư. Kết quả chỉ ra ung thư đại trực tràng, ung thư nội mạc tử cung và ung thư dạ dày có sự ảnh hưởng lớn nhất.
Theo các nghiên cứu, trong số 34 loại rau, rau chân vịt, ớt, măng tây, củ cải và nấm có tác dụng chống oxy hóa tốt nhất. Cũng theo nghiên cứu, chất flavonoid trong rau chân vịt có tác dụng chống oxy hóa mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, trong các nghiên cứu về trái cây đã phân tích 29 loại trái cây và phát hiện ra rằng, dâu đen, mâm xôi, việt quất, dâu tây và các loại quả mọng khác có tác dụng chống oxy hóa tốt nhất. Ngoài quả mọng, ô liu và cam cũng có khả năng chống oxy hóa cao, trong khi dứa, dưa hấu, và các loại trái cây khác xếp ở vị trí thấp hơn về khả năng chống oxy hóa.
Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng Con người của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cũng phát hiện ra rằng, quả mâm xôi có chứa polyphenol “Ellagic acid”, có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh. Ngoài ra, quả mâm xôi còn chứa các chất chống oxy hóa như anthocyanins, vitamin C, E. Ngoài tác dụng chống ung thư, chúng còn có thể giúp chống lại vi trùng, chống lão hóa, làm trắng da và ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Trong số các loại đồ uống, cà phê có khả năng chống oxy hóa tốt nhất, còn rượu vang có khoảng 1/3 đến 1/4 tác dụng chống oxy hóa của cà phê.
Theo các chuyên gia, polyphenol là chất chống oxy hóa chứa trong thực vật, có thể ngăn ngừa sâu bệnh, loại bỏ oxy hoạt tính có thể gây bệnh và lão hóa, đồng thời có tác dụng kháng khuẩn. Polyphenol trong cà phê cao gấp đôi so với trà đen và trà xanh và gấp ba lần so với cà chua.
Để phòng ngừa ung thư, một chế độ dinh dưỡng khoa học là rất quan trọng. Chế độ ăn uống không hợp lý là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh; chế độ ăn nhiều mỡ động vật, ít chất xơ, sử dụng các thực phẩm mốc (gạo, lạc…), hay thực phẩm chế biến sẵn như thịt hun khói, cá muối…) đóng vai trò 35% nguyên nhân gây ung thư (như ung thư vú, thực quản, đại trực tràng…).
Vì vậy, để phòng nguy cơ ung thư hãy ăn nhiều rau, quả. Hạn chế sử dụng chất béo, thịt đỏ, thức ăn chứa nhiều muối, tránh đồ uống có đường. Không ăn thực phẩm mốc, ôi thiu, thực phẩm nhiễm hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc tăng trọng…
Giảm gần một nửa nguy cơ ung thư với món ăn quen thuộc của người Việt
Nấm rất giàu chất dinh dưỡng, giàu axit amin thiết yếu, khoáng chất, vitamin, polysaccharid, chất đạm và ít chất béo.
Các nghiên cứu đã chứng minh rằng nấm có thể ngăn ngừa ung thư và chống lão hóa, nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Theo nghiên cứu mới nhất, càng ăn nhiều nấm thì nguy cơ mắc bệnh ung thư càng giảm, đặc biệt là phòng chống ung thư vú.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã công bố một nghiên cứu trên tạp chí “Advances in Nutrition”, cho thấy rằng việc tăng cường tiêu thụ nấm có liên quan đến giảm nguy cơ ung thư và liên quan chặt chẽ nhất đến ung thư vú.
18g nấm mỗi ngày giúp giảm nguy cơ ung thư tới 45%
Nấm có giá trị dinh dưỡng và dược liệu rất lớn (Ảnh minh họa).
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xem xét có hệ thống 17 nghiên cứu về ung thư được công bố từ năm 1966 đến năm 2020, họ đã phân tích dữ liệu của hơn 19.500 bệnh nhân ung thư và khám phá mối quan hệ giữa việc tiêu thụ nấm và nguy cơ ung thư.
Kết quả của cuộc nghiên cứu cho thấy những người bổ sung bất kỳ loại nấm ăn nào trong chế độ ăn hàng ngày đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn. Theo kết quả nghiên cứu, những người ăn 18g nấm mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh ung thư thấp hơn 45% so với những người không ăn nấm.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nhà nghiên cứu bắt đầu nghiên cứu khả năng kháng bệnh của nấm. Các công dụng chữa bệnh chính của nấm được phát hiện cho đến nay là chống oxy hóa, giảm cholesterol, hỗ trợ phòng chống khối u, điều hòa miễn dịch, bảo vệ thận và kháng khuẩn. Có thể nói, giá trị dược liệu của nấm là rất lớn.
Ergothioneine và polysaccharides là “vũ khí” chống ung thư của nấm
Các nhà nghiên cứu cho biết thêm rằng, nấm là nguồn cung cấp ergothioneine cao nhất trong các loại thực phẩm, đây là một chất chống oxy hóa hiệu quả giúp chống lại stress oxy hóa và giảm nguy cơ ung thư. Đặc biệt, phân tích này chỉ ra rằng, những người ăn nấm thường xuyên có nguy cơ mắc ung thư vú thấp hơn đáng kể.
Ngoài ra, polysaccharid còn được coi là chất chống khối u hiệu quả trong nấm và có đặc tính điều hòa miễn dịch nhất định. Các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra việc sử dụng kết hợp nấm và thuốc chống ung thư có thể là một công cụ hiệu quả để điều trị ung thư kháng thuốc.
Mặc dù các nghiên cứu khác nhau đã xác nhận giá trị của nấm, nhưng chúng nên được tiêu thụ ở mức độ vừa phải. Trong tương lai, nghiên cứu này sẽ giúp khám phá sâu hơn tác dụng bảo vệ của nấm và giúp thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh để ngăn ngừa ung thư.
Nhìn chung, những phát hiện này cung cấp bằng chứng quan trọng về tác dụng bảo vệ của nấm đối với bệnh ung thư và các nghiên cứu trong tương lai cần xác định rõ hơn các cơ chế liên quan và các bệnh ung thư cụ thể mà nấm có thể hỗ trợ phòng chống.
Trên thực tế, ngoài việc ăn nấm, một chế độ ăn uống lành mạnh cũng có thể giúp ngăn ngừa ung thư. Theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR), ăn táo, đậu Hà Lan, quả mâm xôi, quả việt quất, củ cải, anh đào, ớt, nam việt quất, rau lá xanh đậm, hạt lanh… có thể giúp giảm nguy cơ ung thư.