‘Đổ lỗi cho cơm gây béo, dễ mắc tiểu đường là sai’

Nhiều người cho rằng cơm là thủ phạm gây tăng cân và đường huyết. Do đó, cơm được xem là “cấm kỵ” với người béo, đặc biệt là bệnh nhân tiểu đường.

Chị Quỳnh Trang (sinh năm 1990, ở khu đô thị Thanh Hà, Hà Nội) cho hay nhiều năm nay, chị không dám ăn nhiều cơm vì sợ béo.

“Cơm là thủ phạm tăng cân số một nên mỗi ngày, tôi chỉ dám ăn nửa bát. Thay vào đó, tôi ăn nhiều thức ăn”, chị kể. Dù vậy, cân nặng của chị vẫn ở mức cao 60 kg, dù chiều cao 1,55 m.

Tương tự, chị Nguyễn My (Tây Sơn, Hà Nội) chia sẻ từ sau khi sinh con, chị không dám ăn nhiều cơm, thậm chí thường xuyên không ăn, bởi sợ mắc tiểu đường. Khi mang bầu đứa con thứ hai, chị My bị tiểu đường thai kỳ nên phải kiêng khem chế độ ăn hàng ngày. Theo chị, cơm chính là nguồn gây tăng cân và tăng đường huyết.

do loi cho com gay beo de mac tieu duong la sai 2749dd

Theo bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi, nhiều người nhịn cơm rồi nạp vào cơ thể các loại đường cao năng lượng là sai lầm. Ảnh minh họa: Kitchme.

Thủ phạm không chỉ là cơm

Thầy thuốc ưu tú, thạc sĩ, bác sĩ Dzoãn Thị Tường Vi (nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), cho hay nhiều người không hiểu vấn đề nên “đổ tội” cho cơm, dẫn tới sai lầm trong ăn uống, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe.

Trong khẩu phần ăn hàng ngày, chất đạm chiếm 12-15%, chất béo không quá 25%, còn lại là đường bột. Điều đó có nghĩa chất đường bột là năng lượng chính trong khẩu phần.

“Nếu ăn cân đối, hợp lý, cơ thể mới khỏe mạnh, vì mỗi chất có một chức năng, vai trò đảm đương khác nhau. Nếu ăn quá nhiều đường bột, cơ thể sẽ tích lũy mỡ. Tuy nhiên, nhóm chất đường bột không chỉ từ cơm mà còn từ rất nhiều thực phẩm khác như trái cây, bánh, kẹo, mứt, trà sữa, đồ uống có ga…

Những loại đường đó thường dễ hấp thu, ăn quá nhu cầu sẽ chuyển thành mỡ, nguy cơ thừa cân, béo phì. Nhiều người ăn ít cơm nhưng lại thường xuyên ăn vặt là sai lầm, khiến họ tăng cân”, bác sĩ Tường Vi nói.

Nữ chuyên gia tiết lộ thực tế, so với các loại bánh trái kể trên, cơm lành hơn vì là tinh bột, đường đa, khi vào cơ thể, chúng chặt dần các liên kết thành đường đơn, lúc đó mới hấp thu.

“Nhiều người cứ nhịn cơm rồi nạp vào cơ thể các loại đường cao năng lượng là sai lầm. Họ tăng cân rồi lại đổ cho cơm. Trước đây, cơm chiếm khẩu phần chính trong bữa ăn, nhưng hiện nay, người dân không ăn quá nhiều cơm, mà thực chất họ nạp rất nhiều đường bột từ các nguồn khác”, bác sĩ Tường Vi thông tin.

Do đó, để tránh tăng cân, người dân cần giảm tất cả chất bột đường, chứ không chỉ cơm.

Hoa mắt vì nhịn cơm

Bác sĩ Tường Vi khẳng định việc nhịn cơm để giảm cân là sai lầm. “Chất bột đường có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể và oxy cho não. Nhịn ăn tinh bột sẽ gây buồn ngủ, ngủ gật, thiếu sức sống vì không có oxy cho não, nhất là vào buổi sáng. Do đó, bắt buộc phải ăn tinh bột, có thể từ cơm, hoặc bún, phở, cháo, bánh mì, nhất là vào buổi sáng, sau một đêm dài nhịn đói”, bác sĩ Tường Vi cho hay.

Bà cũng khuyến cáo ăn nhiều thịt thay cơm cũng không tốt, bởi gây quá tải cho gan, từ đó làm rối loạn, phát sinh các bệnh về chuyển hóa.

Đồng quan điểm, TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, cũng cho biết khoa học dinh dưỡng khuyên nên ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt (đạm, đường, béo).

“Trong một số bệnh lý, người ta khuyên hạn chế ăn cái này hay cái kia chứ không ai khuyên kiêng ăn chất này hay chất nọ, vì mỗi chất dinh dưỡng đều có vai trò nhất định đối với cơ thể. Tiểu đường cũng vậy. Không ai khuyến cáo người tiểu đường không ăn cơm hoặc tinh bột”, TS Ngữ nói.

Theo chuyên gia này, tạp chí Lancet ngày 16/8/2018 đã đăng thông tin chế độ ăn low carb hay high carb (khi tổng lượng carbohydrate 70% tổng năng lượng) đều gia tăng nguy cơ t.ử v.ong hơn nhóm chế độ ăn bình thường.

Bác sĩ Tường Vi tư vấn với những người muốn giảm cân, có thể thay cơm bằng ngô, khoai, sắn, bởi chúng có năng lượng thấp hơn gạo nhưng khi ăn vào sẽ chiếm phần lớn diện tích dạ dày tạo nên cảm giác no. Đồng thời, uống nước (hoặc nước canh) trước khi ăn sẽ làm tăng chuyển hóa.

“Khi đang đói, uống nước sẽ hoà loãng dịch vị dạ dày, từ đó, giảm cảm giác thèm ăn. Bạn chỉ nên giảm ăn cơm, tinh bột, tuyệt đối không được bỏ hoàn toàn, bởi sẽ gây nên rối loạn chuyển hóa”, bác sĩ Tường Vi khuyến cáo.

Bệnh nhân tiểu đường có thể ăn cơm gạo trắng bình thường với nguyên tắc giảm lượng cơm, tăng lượng rau, trái cây, bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Bác sĩ Tường Vi khuyến cáo ăn uống rất quan trọng trong việc điều chỉnh đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, mỗi người cần có chế độ riêng hợp lý để duy trì cơ thể khỏe mạnh.

Theo Zing

Nồi cơm tách đường là trò lừa bịp?

Nồi cơm tách đường tốt cho bệnh nhân tiểu đường chỉ là trò bịp nhằm mục đích bán hàng.

Thông tin trên được tờ Zing dẫn lời các chuyên gia khẳng định như vậy.

Sau khi nghe những quảng cáo “thần kỳ” về nồi cơm điện tách đường dành cho người bị bệnh tiểu đường, các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng đều khẳng định không tin và cho rằng đây là trò lừa bịp để bán hàng.

noi com tach duong la tro lua bip cf9128

Hình ảnh và lời giới thiệu về nồi cơm thần kỳ chữa bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa

Cụ thể với những mô tả như nồi cơm điện này có thể giúp tách đường, giảm lượng đường trong m.áu, không gây béo phì, không tăng cân nhờ vào nguyên lý hoạt động đặc biệt của nồi cơm điện này, bác sĩ Phan Quốc Sỹ, khoa Nội khoa – Tiểu đường (Bệnh viện Bạch Mai), nói thẳng “đây là trò lừa bịp, lợi dụng lòng tin của người dân để bán hàng trục lợi”.

Bác sĩ Phan Quốc Sỹ phân tích, cơm chín hoặc bánh mì chứa 50% gluxit phức hợp dưới dạng tinh bột amidon. Khi vào cơ thể, đường sẽ được các men tiêu hóa như amylase… thủy phân thành đường đơn glucose để được hấp thụ thấm vào m.áu tĩnh mạch cửa rồi dự trữ ở gan dưới dạng glycogen, để dùng dần giữa các bữa ăn trong ngày, lấy năng lượng cho tế bào cơ và não hoạt động. Nếu tách và loại đường trong tinh bột thì không có năng lượng cho hoạt động của các tế bào trong cơ thể.

“Thật là hoang đường khi nói có thể loại hoặc tách gluxit trong cái được gọi là ‘nồi cơm điện tách đường’ này”, chuyên gia chia sẻ.

TS Từ Ngữ, Tổng thư ký Hội Dinh Dưỡng Việt Nam, cũng cho biết bản thân không tin vào sự thần kỳ của chiếc nồi này.

“Về chiếc nồi cơm tách đường có 2 vấn đề cần phải nói rõ. Thứ nhất, như tôi biết nồi đó không có bộ phận làm chuyển hóa đường có trong gạo sang chất khác. Thứ 2, khi nấu, giả sử do bốc hơi hay ‘rút nước đáy’ làm mất đường thì mất cả chất dinh dưỡng khác, vậy ăn cơm này làm gì”, chuyên gia nói trên Zing.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, cũng khẳng định loại nồi này không có tác dụng như quảng cáo.

Trong khi đó, trên các trang mạng đang rầm rộ quảng cáo về một sản phẩm nồi cơm điện có thể tách đường trong gạo khi nấu chín lên. Khi nấu cơm bằng nồi này sẽ loại bỏ được lượng đường xấu ra khỏi cơm và tạo nồi cơm thơm ngon và an toàn cho người dùng…

Loại nồi cơm điện tách đường này được quảng cáo tốt cho bệnh nhân đái tháo đường, người ăn kiêng, người béo phì, người muốn kiểm soát cân nặng…

Chiếc nồi cơm điện này được hoạt động dựa trên các thông số cài đặt sẵn để kiểm soát cũng như duy trì nhiệt độ trong nồi để khiến cho hàm lượng Amylopectin (hàm lượng chính có trong tinh bột hấp thụ nhanh) tự phân tách ra khỏi hạt gạo và hòa tan vào nước, trong khi vẫn duy trì hàm lượng Amylose (hàm lượng chính có trong tinh bột hấp thụ chậm) giữ trong gạo.

Theo đó, khi loại bỏ phần nước chứa tinh bột, nồi sẽ tiếp tục làm chín đều hạt gạo như cơm thông thường, nhưng cơm lúc này sẽ không còn tinh bột nhanh, an toàn cho người bị bệnh tiểu đường, béo phì.

Nồi cơm này có nhiều thương hiệu đến từ nhiều nước khác nhau với các mức giá giao động từ 3 triệu tới 6 triệu đồng/chiếc.

Nhiều người dân chưa biết tác dụng thật hư nhưng khi nghe quảng cáo cũng đã sẵn sàng chi ra gần chục triệu để mua chiếc nồi với hi vọng sẽ tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, nếu theo phân tích ở trên thì rõ ràng nồi cơm không có tính năng thần kỳ, thậm chí còn đang làm mất đi giá trị dinh dưỡng có trong cơm, còn gây hại cho sức khỏe.

Thái An

Theo baodatviet

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *