Tiêu chảy (tiết tả) là chứng bệnh chủ yếu do ‘hàn tà’ và ‘thấp khí’ (vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy) thâm nhập vào cơ quan tiêu hoá mà gây bệnh.
Biểu hiện đi tả lâu ngày không khỏi, ăn vào không tiêu hoá, đại tiện lỏng, đi nhiều lần trong ngày kèm theo các triệu chứng sôi bụng, đau bụng lâm râm, mệt mỏi, chân tay lạnh, vô lực…
Đông y dùng thuốc “Hoắc hương chính khí tán”và”Tứ thần hoàn” vừa để ôn ấm trung tiêu, khu hàn, trừ khử được bệnh độc mà không làm tổn thương thân thể.
Bài thuốc chống tiết tả (tiêu chảy), điều hòa chức năng tiêu hóa
Bài 1- Hoắc hương chính khí tán
– Xuất xứ: Sách “Hòa dược cục phương”.
– Thành phần: Hoắc hương 10g, tử tô 10g, bạch chỉ 10g, cát cánh 10g, trần bì 10g, hậu phác 12g, đại phúc bì 15g, bán hạ 12g, thương truật 10g, phục linh 15g, cam thảo 3g.
Vị thuốc hoắc hương có tác dụng đào thải chất độc ở đường ruột, chống tiết tả.
– Cách dùng: Các vị thuốc tán bột mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 8-12g. Dùng nước sắc từ gừng tươi 3 lát, đại táo 1 quả để chiêu thuốc. Uống trước bữa ăn hoặc uống lúc đói bụng.
– Công dụng: Tán hàn giải biểu (giải cảm lạnh), trừ thấp, hòa trung (điều hòa chức năng tiêu hóa).
– Chứng bệnh thích ứng: Cảm phải hàn tà thấp khí, dẫn tới các chứng trạng như sợ lạnh, phát sốt, đau đầu, tức ngực, đau bụng, lợm giọng, buồn nôn, nôn, chán ăn hoặc đại tiện như tháo cống.
– Phương giải bài thuốc: Trong bài hoắc hương làm chủ vị, vừa có tác dụng giải trừ thử thấp, lại có tác dụng tiêu trừ thấp trọc ở tràng vị (đào thải chất độc ở đường ruột). Phối hợp với tử tô, bạch chỉ và cát cánh để tăng cường chức năng giải trừ ngoại tà. Phối hợp với hậu phác, đại phúc bì để tiêu trừ ngực bụng đau tức. Phối hợp với bán hạ, trần bì để hòa vị giáng nghịch (chống nôn). Thêm thương truật, phục linh, cam thảo để lợi thấp, kiện tỳ.
Tổ hợp lại thành phương thuốc chữa ngoại cảm hàn thấp và rối loạn tiêu hóa có hiệu quả tốt.
Các vị thuốc trong bài thuốc “Tứ thần hoàn”
Bài 2 – Tứ thần hoàn
– Xuất xứ: Sách “Nội khoa thương yếu”.
– Thành phần: Bổ cốt chỉ 120g, ngũ vị tử 60g, nhục đậu khấu 60g, ngô thù du 30g.
– Cách dùng: Các vị thuốc tán bột mịn, trộn với nước gừng tươi hoàn viên, ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g, uống trước bữa ăn hoặc uống lúc đói bụng
– Công dụng: Ôn bổ tỳ thận, chữa tiết tả lâu ngày.
– Chứng bệnh thích ứng: Chữa tỳ thận dương hư, dẫn tới tiết tả lâu ngày hoặc ngũ canh tiết tả (tiêu chảy lúc tảng sáng), chán ăn, đầy bụng, tiêu hóa kém; hoặc đau bụng, chân tay lạnh, tinh thần uể oải, người mệt mỏi, mạch trầm trì vô lực.
– Phương giải bài thuốc: Tiết tả mạn tính thường liên quan đến chức năng của hai tạng Tỳ và Thận (khi chữa trị cần tập trung vào thận).
Trong bài bổ cốt chỉ có tác dụng ôn bổ thận dương, làm chủ vị… cùng sự trợ giúp của ngô thù du để ôn trung tán hàn (làm ấm, giải trừ hàn khí ở trung tiêu tỳ vị). Dùng nhục đậu khấu, ngũ vị tử để sáp tràng cố thoát (làm săn niêm mạc ruột, chống tiết tả).
Nhờ kết hợp các tác dụng trên, bài thuốc có tác dụng chữa tiết tả mạn tính, tiêu chảy lúc sáng sớm.
Uống vitamin C hàng ngày có tốt không?
Vitamin C là một trong những vitamin thiết yếu mà cơ thể không thể tự tổng hợp hoặc dự trữ được, nhưng uống vitamin C hàng ngày có tốt không? Nên bổ sung bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?
1. Nên bổ sung bao nhiêu vitamin C mỗi ngày?
Theo BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga – Bộ Quốc phòng, vitamin C là một loại vitamin tan trong nước, giữ vai trò quan trọng trong nhiều hoạt động của cơ thể. Cung cấp đủ vitamin C giúp duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, chữa lành vết thương, giữ cho xương chắc khỏe và tăng cường chức năng não.
Do cơ thể không dự trữ hoặc tự tổng hợp vitamin C, ta cần bổ sung vi chất này hàng ngày thông qua các thực phẩm ăn uống hoặc sản phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất. Tuy nhiên, việc bổ sung quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến những tác dụng phụ, chẳng hạn như rối loạn tiêu hóa và sỏi thận. Diều này là do nếu nạp quá nhiều vitamin vào cơ thể với liều lượng lớn hơn bình thường, nó sẽ bắt đầu tích tụ, có khả năng dẫn đến các triệu chứng quá liều.
Chính vì vậy, uống vitamin C mỗi ngày có tốt hay không còn phụ thuộc vào nhu cầu cũng như tình trạng sức khỏe của mỗi người. Đối với người khỏe mạnh từ 19 t.uổi trở lên, lượng khuyến nghị hàng ngày là 90 mg vitamin C đối với nam giới, 75 mg đối với phụ nữ, phụ nữ mang thai cần 85 mg, và khi cho con bú cần 120 mg.
Những người hút thuốc và tiếp xúc với khói thuốc thụ động có lượng khuyến nghị tăng thêm 35 mg mỗi ngày.
Bổ sung quá nhiều vitamin C có thể dẫn đến những tác dụng phụ.
2. Bổ sung quá nhiều vitamin C gây tác hại gì?
– Quá nhiều vitamin C có thể gây các triệu chứng rối loạn tiêu hóa
Tác dụng phụ phổ biến nhất của việc hấp thụ nhiều vitamin C là rối loạn tiêu hóa. Những triệu chứng này không xảy ra khi ăn thực phẩm chứa vitamin C, mà do uống vitamin ở dạng bổ sung. Bạn có nhiều khả năng cảm thấy buồn nôn, tiêu chảy, trào ngược axit dạ dày… khi tiêu thụ cùng một lúc hơn 2.000 mg vitamin C ở dạng thực phẩm bổ sung.
– Vitamin C có thể gây ứ sắt
Vitamin C có tác dụng tăng cường hấp thu sắt. Vi chất này có thể liên kết với sắt không heme, được tìm thấy trong thực phẩm từ thực vật. Sắt không heme không được cơ thể hấp thụ hiệu quả như sắt heme – loại sắt có trong các sản phẩm động vật. Một nghiên cứu ở người lớn cho thấy sự hấp thụ sắt tăng 67% khi họ uống 100 mg vitamin C trong bữa ăn.
Tuy nhiên, những người có các tình trạng làm tăng nguy cơ tích tụ sắt trong cơ thể như bệnh huyết sắc tố, nên thận trọng với việc bổ sung vitamin C. Trong những trường hợp này, bổ sung vitamin C quá mức có thể dẫn đến tình trạng dư thừa và lắng cặn sắt, có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan như tim, gan, tuyến tụy, tuyến giáp và hệ thần kinh trung ương.
– Bổ sung vitamin C với liều lượng cao có thể dẫn đến sỏi thận
Vitamin C dư thừa được bài tiết ra khỏi cơ thể dưới dạng oxalat qua nước tiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, oxalat có thể liên kết với các khoáng chất và tạo thành các tinh thể dẫn đến hình thành sỏi thận.
Trong một nghiên cứu ở người trưởng thành, uống bổ sung 1.000 mg vitamin C hai lần mỗi ngày trong 6 ngày, lượng oxalate họ bài tiết tăng 20%. Tiêu thụ quá nhiều vitamin C có khả năng làm tăng lượng oxalat trong nước tiểu, do đó làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận, đặc biệt nếu bạn tiêu thụ lượng lớn hơn 2.000 mg mỗi ngày.
Bổ sung vitamin C với liều lượng cao có thể dẫn đến sỏi thận.
3. Cần lưu ý gì khi bổ sung vitamin C?
Trên thực tế, bạn gần như không thể nhận được quá nhiều vitamin C từ chế độ ăn uống của mình. Ở những người khỏe mạnh, lượng vitamin C được bổ sung thông qua thực phẩm ăn uống nếu thừa sẽ được thải ra khỏi cơ thể một cách dễ dàng.
Nguy cơ quá liều vitamin C thường xảy ra ở những người dùng thực phẩm bổ sung không đúng liều lượng. Trừ trường hợp bị thiếu hụt vitamin C (hiếm khi xảy ra ở những người khỏe mạnh), bạn có thể bổ sung vitamin C liều cao dưới chỉ định của bác sĩ.
Vitamin C là một chất dinh dưỡng hữu ích nhưng nó lại là chất dinh dưỡng hòa tan trong nước, được hấp thụ tốt nhất khi bạn uống lúc bụng rỗng. Cách lý tưởng nhất là dùng thực phẩm bổ sung vào buổi sáng, trước bữa ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Đảm bảo sử dụng với liều lượng theo khuyến nghị, tránh nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.